Làm trắng răng đang là xu hướng lựa chọn của nhiều người nhưng không phải bộ răng nào cũng đáp ứng đầy đủ các điều kiện để thực hiện phương pháp này.
- Những sai lầm mắc phải khi dùng chỉ nha khoa
- Hôi miệng – tiếng chuông cảnh báo những căn bệnh nguy hiểm
Có rất nhiều nguyên nhân khiến hàm răng của chúng ta trở nên vàng ố, sậm màu như do cách ăn uống, theo thời gian, vệ sinh răng miệng… Phương pháp tẩy trắng răng ra đời như 1 “vị cứu tinh” với những người đang sở hữu hàm răng ố vàng.
Những tưởng đơn giản nhưng theo các bác sĩ nha khoa thì không phải ai cũng có thể tẩy trắng răng được.
Người mắc các bệnh sâu răng, viêm nha chu, mòn cổ răng
Như Chúng ta đã biết, bệnh nha chu là bệnh viêm nhiễm mãn tính mô nướu, mô nâng đỡ răng, xảy ra ở các tổ chức xung quanh răng.
Trong khi đó, răng sâu là răng có 1 khoang bị hỏng, hay nói đơn giản vi khuẩn tác dụng vào chất đường, tinh bột bám trên răng tạo ra axit ăn mòn mô răng, cổ răng.
Đây đều là những dạng thương tổn nặng trên bề mặt răng, hoặc thân răng, làm cho răng suy yếu không chỉ ở bề mặt mà còn cả bên trong, dễ đẫn đến tình trạng mất răng hoặc hư răng.
Do vậy, nếu bạn vẫn giữ ý định tẩy trắng răng trong tình trạng này mà chưa điều trị dứt điểm các bệnh lý răng miệng – Viêm nha chu, Sâu răng… thì các chất hóa học trong thuốc tẩy sẽ khiến cho tình trạng răng càng xấu ảnh hưởng đến khả năng ăn nhai của bạn
Để thực hiện việc này, bạn cần phải chữa dứt điểm các bệnh lý về răng trước (viêm lợi, hở cổ chân răng…) rồi mới thực hiện tiếp bước tẩy trắng này.
Răng nhiễm kháng sinh Tetracycline
Tetracycline là một loại kháng sinh mà phụ nữ sử dụng trong giai đoạn mang thai hoặc cho các trẻ nhỏ dưới 7 – 8 tuổi ở thập niên 1960 – 1970.
Loại kháng sinh này có thể làm răng bị đổi màu. Đây là sự thay đổi toàn bộ trên cả hàm răng hay 1 vùng của răng. Mức độ răng bị sẫm màu còn tùy thuộc vào thời điểm, liều lượng và loại thuốc sử dụng khiến răng sẽ có màu vàng sẫm, nâu, xám xanh.
Theo các chuyên gia nha khoa thẩm mỹ: “Răng được cấu tạo bởi 3 lớp, phần men răng bên ngoài có màu trắng; lớp ngà răng ở giữa có màu vàng và tủy răng trong cùng chứa mạch máu và dây thần kinh cảm giác”.
Trong khi đó, răng bị nhiễm Tetracycline là đã bị thay đổi từ mầm răng bên trong cấu trúc răng rồi.
Do vậy, với trường hợp răng bị nhiễm kháng sinh từ bên trong cấu trúc răng thì phương pháp tẩy trắng răng không có hiệu quả. Thay vào đó, bạn nên sử dụng phương pháp bọc răng sứ để hàm răng trắng đều, bóng sáng.
Người mắc bệnh lý toàn thân
Giống như niềng răng, có những đối tượng dù muốn nhưng mắc bệnh lý về cơ thể nên không thực hiện phương pháp tẩy trắng răng được.
Đó là những người mắc 1 số bệnh lý toàn thân như động kinh, tâm thần, tim mạch nặng, bệnh suy thận nặng…
Ngoài ra, bác sĩ Châu cũng đề cập rằng, những người bị dị ứng với hoạt chất có trong các loại thuốc tẩy trắng răng như Carbamide peroxide, hydrogen peroxide… thì cũng không nên thực hiện việc tẩy trắng răng này.
Trẻ em dưới 16 tuổi
Các nha sĩ khuyến cáo rằng, những bạn trẻ dưới 16 tuổi không nên tìm đến phương pháp tẩy trắng răng bởi đây vẫn là độ tuổi mà buồng tủy còn đang phát triển, mở rộng.
Thuốc tẩy trắng răng có thể gây kích thích tủy làm răng trở nên nhạy cảm hơn, nếu nghiêm trọng có thể gây viêm quanh răng, viêm nướu, tụt nướu lộ chân răng, làm răng bị ê buốt nhiều, không ăn uống được…
Nếu muốn “thay áo” cho răng, bạn phải đủ 18 tuổi và không có vấn đề bệnh lý về răng miệng.
Chính vì vậy mà trước khi có ý định tẩy trắng răng, bạn cần đến gặp bác sĩ thăm khám và hỏi ý kiến – đây là 1 điều vô cùng cần thiết.
Qua buổi thăm khám, bạn có thể hiểu được tình trạng răng của mình – nên hay không nên tẩy trắng răng (dù là phương pháp nào) ở thời điểm hiện tại – để tránh những điều đáng tiếc xảy ra sau này.
Nguồn : Y Sỹ Nha Khoa